Dịch vụ truyền hình trả tiền hay còn gọi là Pay TV đã xuất hiện trên thế giới từ năm 1948, tuy nhiên trong vòng 10 năm gần đây Pay TV mới chính thức có mặt tại Việt Nam. Mặc dù mới nhưng giới truyền hình ở Việt Nam đã nhanh chóng thâm nhập vào thị trường này.
ViettelTV(ảnh minh họa)
Năm 2013 là năm được dự báo là sự bùng nổ dịch vụ Pay TV tại Việt Nam. Hiện nay những “đại gia” hàng đầu trong truyền hình trả tiền ở Việt Nam là Truyền hình Hà Nội, VTV, AVG, K+ và mới đây nhất là sự gia nhập của Viettel.
Tại Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền chủ yếu được biết đến qua các dịch vụ truyền hình kĩ thuật số cáp, kĩ thuật số mặt đất, kĩ thuật số vệ tinh và truyền hình di động ở giai đoạn sơ khai. Việt Nam đã có 10 năm phát triển dịch vụ với hàng trăm kênh truyền hình trong và ngoài nước tham gia kinh doanh. Hiện có khoảng 50 thương hiệu đang cung cấp dịch vụ, bao gồm Truyền hình cáp Hà Nội (HCaTV), Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VCTC, HTVC, VSTV (K+), SCTV, VNPT, FPT, AVG (Truyền hình An Viên) và mới đây nhất là sự gia nhập của tập đoàn viễn thông Viettel. ...
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện trên 63 tỉnh, thành của cả nước đều có ít nhất một mạng truyền hình cáp, với 43% hộ gia đình thành thị sử dụng truyền hình cáp, 18% hộ gia đình dùng đầu thu tín hiệu từ vệ tinh. Các loại hình Pay TV cũng phát triển nở rộ. Theo thống kê của Sách trắng Công nghệ thông tin năm 2011, 90% hộ gia đình ở Việt Nam hiện đều có ti vi. Trong khi đó, theo số liệu điều tra của một công ty nghiên cứu thị trường thì Việt Nam hiện có hơn 20 triệu hộ gia đình xem truyền hình. Trong số này chỉ có gần 14% hộ gia đình là khách thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền, một tỉ lệ khá thấp so với mức khoảng 60% của các nước trong khu vực. Tính trên bình diện cả nước, mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một mạng truyền hình cáp. Theo ước tính của một chuyên gia, hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, trong đó SCTV chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 1,2 triệu thuê bao, VSTV (K+) có hơn 300.000 và AVG có khoảng 500.000…
Trong khi 80% dân số Việt Nam chủ yếu sống ở khu vực nông thôn thì phần lớn hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền lại tập trung ở các đô thị lớn hoặc ở khu trung tâm các tỉnh, thành phố. Trong tổng số các gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, có khoảng 50% ở khu vực thành thị thuê bao dịch vụ truyền hình cáp, khoảng 20% sử dụng truyền hình số vệ tinh. Các nhà cung cấp dịch vụ còn phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để tạo nét đặc trưng và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Ví dụ VTC và AVG ứng dụng công nghệ truyền hình kĩ thuật số mặt đất và kĩ thuật số vệ tinh, K+ ứng dụng công nghệ truyền hình số vệ tinh, còn VNPT, Viettel và FPT thì ứng dụng công nghệ truyền hình di động, truyền hình qua giao thức Internet (IPTV)... mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.
Có hai yếu tố sẽ dẫn đến sự thay đổi rất lớn của thị trường truyền hình. Đó là sự bùng nổ của Internet băng thông rộng và dịch vụ truyền hình được chia sẻ cho tư nhân. Từ hai lĩnh vực riêng biệt, các tên tuổi của thị trường viễn thông như Viettel, FPT, lại đang nhảy vào mảnh đất truyền hình màu mỡ của Truyền hình Hà Nội, VTV, HTV hay SCTV, tạo nên thế giằng co của truyền hình cáp và truyền hình Internet, mở ra sự phát triển mạnh của nội dung số...
Trong bối cảnh truyền hình cáp đã phủ gần như 100% ở địa bàn các thành phố lớn nhưng vẫn còn dè đặt ở khu vực nông thôn, truyền hình Internet (IPTV) đang là con bài chiến lược để các công ty viễn thông lấy thị phần trong phân khúc truyền hình trả tiền.
Việc Viettel tuyên bố tham gia thị trường truyền hình trả tiền vào cuối tháng 2 vừa qua có thể nói là gây bất ngờ, việc bước sang thị trường truyền hình trả tiền sẽ giúp Viettel mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ở các nước phát triển, thị trường truyền hình trả tiền được xem là bão hòa khi thuê bao chiếm tới 60 - 70% hộ gia đình. Và với 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền hiện có trong số 20 triệu hộ gia đình xem truyền hình, thì mật độ thuê bao của dịch vụ này vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới, khoảng trống thị trường còn khá lớn cho các nhà đài giành giật thị phần, do đó Viettel còn nhiều cơ hội kinh doanh trên thị trường tiềm năng này.
Về lí thuyết, tại bất kì nơi nào ở Việt Nam, người dân cũng có thể được cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền bằng các công nghệ truyền dẫn khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ truyền hình trả tiền mới chủ yếu phục vụ cư dân thành thị.
Với sự thâm nhập ngày càng nhiều của các “đại gia” vào thị trường truyền hình trả tiền sẽ hứa hẹn một cuộc đua về cả chất lượng và giá cả dành cho dịch vụ truyền hình này, đồng thời người dân không chỉ riêng ở thành thị mà cả ở những vùng nông thôn cũng sẽ được sử dụng một dịch vụ truyền hình có chất lượng cao với giá cả hợp lí.
Năm 2013 là năm được dự báo có sự bùng nổ dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Thị trường Pay TV ở Việt Nam còn rất mới mẻ và còn đứng trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi bởi là người đi sau, sẽ đúc rút được những kinh nghiệm của các nước đi trước trong ứng dụng dịch vụ truyền hình này…
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét