Dạo quanh một vòng các báo, tự nhiên thấy chủ đề Viettel cung cấp truyền hình trả tiền trong năm 2012 “hot” ghê. Đầu tiên là ICT News tung một bài viết khá dài phân tích khá kỹ về một sự kiện mà như phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ đánh giá là đủ để đưa lên trang nhất báo Xuân Tuổi trẻ. Thế mới thấy, mỗi động thái của Viettel đều rất được chú ý. Một khi Viettel đã làm thì thường làm rất nghiêm túc, ví như chuyện làm di động hay như chuyện đầu tư nước ngoài và sản xuất thiết bị.

Cái lý Viettel “nhẩy” vào lĩnh vực truyền hình cáp mà các báo đưa ra lại chỉ xoay quanh chuyện Viettel có hạ tầng rộng, nhiều tiền nên vừa triển khai được sâu và rộng lại vừa mua được nhiều chương trình bản quyền để cạnh tranh với các đơn vị khác. Nếu chỉ đơn giản như thế thì làm truyền hình đơn giản quá. Nếu chỉ dựa trên các sở cứ ấy mà Viettel lập thành hẳn một chiến lược cho Tập đoàn thì e có vẻ vội vàng quá. Không, Viettel không phải vậy. Mỗi một quyết định của Viettel đều có một triết lý đi sau. Với chiến lược này cũng vậy.
Việc tham gia làm truyền hình cáp đã từng được Viettel nhắc đến từ giữa năm 2010. Là một trong những doanh nghiệp chủ đạo, Viettel đã đặt mục tiêu cho mình là mỗi người dân phải có một chiếc điện thoại di động băng rộng, chất lượng cao, không chỉ dùng để nghe, gọi mà có thể chia sẻ hình ảnh, video; mỗi hộ gia đình có một máy điện thoại cố định, một đường truyền internet tốc độ cao và một ti vi truyền hình cáp đạt tiêu chuẩn HD có thể xem chương trình theo yêu cầu.
Như vậy, truyền hình cáp chỉ là một trong những việc cụ thể hoá của Viettel nhằm hiện thực hoá đề án đưa Việt Nam thành một nước mạnh về CNTT.
Còn triết lý để Viettel “nhẩy” vào lĩnh vực truyền hình cáp thì là thế này. Theo nghiên cứu của lãnh đạo Tập đoàn, có 2 lý do chính để một doanh nghiệp dù lớn hay đã tồn tại lâu năm trên thế giới sụp đổ: (1) tham gia vào quá nhiều lĩnh vực, thấy cái gì hay hay cũng làm và như thế chẳng cái gì giỏi cả; (2) chỉ tập trung làm những thứ đã làm mà không mở rộng ra lĩnh vực khác và như thế khi thế giới thay đổi, doanh nghiệp sẽ không thay đổi kịp.
Bài học mà Viettel rút ra là, hãy tập trung làm tốt lĩnh vực lõi của mình và liên tục mở rộng định nghĩa để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Năm 2012, tất cả các đơn vị trong Tập đoàn Viettel được yêu cầu mở rộng định nghĩa lĩnh vực của mình. Và với Tập đoàn, viễn thông sẽ không chỉ là alo nữa mà sẽ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống và truyền hình là một phần của chiến lược ấy.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét